29JANTrong cuộc sống, đôi khi, bạn phải thốt lên hoặc nghe loáng thoáng ai đó nói rằng: “Trời ơi! Sao anh ấy lại có năng khiếu học ngoại ngữ nhanh đến vậy” hoặc “cậu/cô ấy nói tiếng Anh thật chuẩn”.
Thực tế là có cả hàng tá lý do để trả lời cho vấn đề này. Hãy tin rằng những kỹ năng bạn sắp biết đến sau đây sẽ giúp bạn cảm thấy một ngôn ngữ mới cũng giống như bất kỳ thứ gì bạn đã từng học và làm trong cuộc sống, Cho dù bạn là ai, dù bạn chưa từng cho rằng mình có “sở trường” về ngôn ngữ học hay không, chỉ cần sự quyết tâm và tập trung nhất định, thành công sẽ đến như một điều tất yếu!
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, tôi và bạn hãy cùng thống nhất với nhau một điều rằng: “Để học bất cứ một ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi sự chăm chỉ, cần cù và nỗ lực không biết mệt mỏi”. Sẽ có lúc bạn gặp những khó khăn và chán nản nhưng hãy kiên trì và nhớ một điều rằng chờ đợi phía cuối mỗi con đường là một phần thưởng xứng đáng.
Hãy bắt đầu bằng những Tip cơ bản nhất nhưng cũng là nhưng điều dễ bị lầm tưởng nhất trong khi học ngoại ngữ.
1. Tìm ra sự khác biệt trong cách phát âm riêng biệt cho từng ngôn ngữ.
Mọi ngôn ngữ đều có một cách riêng để tạo ra âm thanh. Một vài ký tự và chữ cái chúng ta nghĩ chúng ta đã biết nhưng lại được phát âm theo 1 cách hoàn toàn khác.
Hãy lấy ví dụ với âm t. Khi chúng ta nói từ “top” lưỡi của chúng ta được đặt ở một ví trí chính xác phía trên vòm miệng. Thử thay đổi âm “t” trong từ “top” bằng cách đẩy lưỡi bạn thụt vào hoặc tiến lên một chút. Bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng giữa âm “t” được phát ra với mỗi vị trí đặt lưỡi của mình. Với âm “t” trong tiếng Pháp hay tiếng Tây Ba Nha, vị trí của lưỡi thường được đặt thụt vào trong một chút và ngược lại với tiếng Ấn Độ.
Hãy nhớ rằng âm thanh được tạo ra do chuyển động kết hợp của môi, lưỡi, miệng và cách bạn nói tiếng Việt chỉ là một trong những cách để tạo ra âm thanh. Để học một ngôn ngữ đồng nghĩa với việc bạn phải đặt những thói quen cũ sang một bên và dậy cho mồm mình những chuyển động mới.
Ngoài ra, chú trọng đến âm/ngữ điệu (cách lên hay xuống giọng và ngắt câu phù hợp với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt) cũng là một điều quan trọng mà người học một ngôn ngữ mới cần chú ý. Ví dụ: Người Anh thường có khuynh hướng hạ thấp giọng vào những quãng cuối của mỗi câu hỏi trong khi người Mỹ thì ngược lại.
Chỉ có MỘT và chỉ một cách duy nhất để rèn luyện cách phát âm và ngữ điệu đó chính là nghe thật nhiều. Bạn có thể xem TV, nghe thời sự, bản tin, Youtube, các chương trình bạn yêu thích… Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên chuẩn bị cho mình những đoạn ghi âm hội thoại và thực hành nghe đi nghe lại nhiều lần. Hãy nghe bất cứ khi nào và bất cứ đâu bạn có thể, trên xe buýt, trên tầu điện mỗi ngày. Khi nghe, với mỗi từ ngữ/câu nghe được, tập phát âm theo với âm/ngữ điệu chính xác cho đến khi thành thục. Đó chính là cách bạn làm quen và dậy cho mồm mình những cách phát âm mới!
2. Hãy đổi mới cách suy nghĩ của mình
Quá trình đổi mới suy nghĩ này cũng giống như trở lại thời thơ ấu, khi mà bạn học cách liên tưởng âm thanh với những sự vật/hiện tượng xung quanh.
Khi còn bé, bạn đâu có biết cái cây nó là cái gì cho đến khi bố/mẹ/anh/chị bạn chỉ vào nó và nói “CÂY!”… Não bộ của bạn có thể lập tức ghi nhớ từ ngữ đó hoặc sau một vài dịp ai đó nhắc lại cho bạn nhớ. Đó là cách bạn học một từ mới, bằng cách liên kết từ ngữ “CÂY” với hình ảnh một thứ gì đó to lớn, có nhiều lá màu xanh. Dĩ nhiên, tất cả mọi người trên thế giới này đều biết cái “vật thể đầy lá màu xanh” ý nó là cái gì. Tuy nhiên, ở Mỹ, người ta lại gọi “cái vật” đó là “TREE”, ở Đức với cái tên khác là “BAUM”, người Ả-Rập gọi nó là “SAIJA” và Trung Quốc là “SHU”. Đó mới chỉ là một vài trong tổng số hàng trăm/nghìn cách gọi khác nhau giành cho cái vật thể to lớn đầy lá màu xanh.
Học một ngôn ngữ mới đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ thỏi quen “dịch từ ngữ”.Thay vào đó, hãy tập cách liên tưởng từ ngữ với hình ảnh của sự vật, hiện tượng trong tâm trí của bạn. Làm thế nào để khi bạn nghe từ Tree, Baum, Saija… ngay lập tức nghĩ đến hình ảnh cái vật thể to lớn nhiều lá màu xanh chứ không phải là “CÂY” rồi sau đó mới đến cái vật thể to lớn nhiều lá màu xanh.
Ngoài ra, cấu trúc câu hay cách sắp xếp từ ngữ để tạo thành một câu trong từng ngôn ngữ cũng có sự khác nhau. Ví dụ với câu: “Tôi phải mua vài quyển sách trước khi về nhà”. Khi chuyển sang ngôn ngữ khác, bạn sẽ không dịch từng từ một và ghép chúng với nhau. Thay vào đó, sẽ tìm nhóm từ hoặc ý tương ứng để diễn đạt. Với tiếng anh, “vài” sẽ thành 2 từ “a few”, “trước khi về nhà” chỉ còn lại 3 từ “before going home”. Với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, “before going home” có thể diễn đạt chỉ bằng một từ. Do vậy hãy nhớ rằng, chúng ta không “dịch từ” mà chuyển “ý của câu”.
3. Phát triển vốn từ vựng bằng thẻ học từ
Học bao nhiêu từ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Vài trăm từ có thể cho là đủ để du lịch quanh một đất nước và phục vụ nhu cầu giao tiếp cơ bản. Để thực hiện một cuộc hội thoại đơn giản bạn cần khoảng 2000 từ. Để đọc báo hoặc tham gia những cuộc hội thoại phức tạp, tối thiểu bạn cần 5000 từ. Tuy nhiên, hãy nhớ điều quan trọng không phải là bao nhiêu từ mà là làm thế nào để sử dụng được hết số từ bạn biết một cách khoa học nhất.
Trước tiên hãy bắt đầu với những từ thông dụng – là những từ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm chúng trong những đoạn hội thoại cơ bản. Ngoài ra, tính chất đăc trưng của những từ này là thường xuất hiện với tần suất nhiều lần trong một bài báo, bản tin, bộ phim hay một câu chuyện…
Cách học từ vựng nhanh và hiệu quả nhất là sử dụng “thẻ từ” – word cards hay còn được gọi là flash cards. Lợi ích của việc sử dụng thẻ từ:
1. Tính tiện lợi: bạn có thể cầm theo người đi bất cứ đâu để học.
2. Tính ngẫu nhiên: nhiều bạn có thể học theo word list nhưng có một điều bất lợi. Khi sử dụng word list, thứ tự các từ đã được cố định và đôi khi bạn thường nhớ từ và nghĩa dựa vào vị trí trong danh sách mà không thực sự hiểu được ý nghĩa và cách dùng. Với word cards, thứ tự của từ là ngẫu nhiên.
3. Sau mỗi bài học, bạn có thể dễ dàng loại bỏ những từ mà bạn đã nhớ để tập trung vào những từ khó và phức tạp hơn.
Có 3 bước để nhớ từ vựng:
– Tập trung não bộ, nhớ từ, mặt chữ và ý nghĩa của từ: cách tốt nhất và hiệu quả nhất là liên kết từ ngữ với hình ảnh sự vật, sự việc và hiện tượng
– Phát âm – có thể to hoặc nhỏ nhưng phải đủ để bạn nghe được (càng to càng tốt): việc làm này giúp bạn rèn luyện không những khả năng phát âm, khả năng nghe mà còn khả năng xử lý của não bộ với từ ngữ đó – giúp bạn nhớ lâu hơn, khi cần sử dụng thì bật ra nhanh hơn.
– Thuộc lòng: lướt qua word cards thật nhanh và chắc rằng bạn đã nhớ hết những từ đó. Việc này giúp bạn bật ra từ ngữ một cách tự động khi cần sử dụng.
Nếu bạn sử dụng thẻ từ, hãy bắt đầu với mặt chứa từ ngữ sau đó chuyển sang nghĩa của từ. Khi đã chắc chắn mình nhớ từ đó thì làm ngược lại. Đi từ mặt chứa “ngoại ngữ” sang tiếng việt là quá trình bị động – giúp bạn nhanh chóng nhớ từ vựng. Từ tiếng việt sang “ngoại ngữ” là quá trình chủ động – giúp rèn luyện não bộ nghĩ sự vật, sự việc bằng ngôn ngữ mới. Đó là một trong những cách giúp bạn tăng cường vốn từ vựng một cách nhanh chóng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét